Dịch thuật: Trương Diệu bái vợ làm thầy


TRƯƠNG DIỆU BÁI VỢ LÀM THẦY

          Khoảng thời Hàm Phong 咸丰 nhà Thanh có một vị võ quan tên là Trương Diệu 张曜 (1), nhân vì trong chiến trận có công, được đề bạt làm Bố chính sứ Hà Nam. Trương Diệu từ nhỏ thất học, không có văn hoá nên thường bị triều thần coi thường. Quan Ngự sử Lưu Dục Nam 刘毓楠 nói rằng Trương Diệu “một chữ cũng không biết”, vì thế ông bị đổi sang làm Tổng binh. Từ đó Trương Diệu quyết chí học tập, để trở thành người năng văn năng võ.
 Trương Duệ nghĩ đến người vợ rất giỏi của mình, ông về nhà nhờ vợ dạy. Người vợ bảo rằng:
Dạy thì cũng được, nhưng có một điều kiện, đó là phải làm lễ bái sư, cung kính mà học.
Trương Diệu đồng ý, lập tức mặc triều phục, bảo vợ ngồi trước bài vị Khổng Tử, ông hướng đến vợ làm lễ ba bái chín khấu đầu. Từ đó trở đi, những lúc rỗi rãi, vợ ông dạy ông học kinh sử. Mỗi khi người vợ là thầy, Trương Diệu nghiêm túc đứng nghe, không dám có chút bất kính. Ông còn nhờ người làm cho chiếc ấn khắc mấy chữ “mục bất thức đinh” 目不识丁 (2),  luôn đeo bên mình để tự răn. Sau mấy năm, Trương Diệu trở thành người có học vấn.
Về sau, khi Trương Diệu làm Tuần phủ Sơn Đông, có người đàn hặc ông “không biết chữ”, ông liền dâng thư lên xin được thử trước hoàng đế. Thành tích của ông khiến hoàng đế và nhiều đại thần kinh ngạc.
 Thời gian nhậm chức ở Sơn Đông, Trương Diệu cho đắp đê, sửa đường, mở công xưởng, làm nhiều việc có lợi cho dân cho nước. Nhân vì chuyên cần ham học, sau khi mất hoàng đến ban cho ông tên thuỵ là “Cần Quả” 勤果.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TRƯƠNG DIỆU 张曜 (1832 – 1891): tự Lượng Thần 亮臣, hiệu Lãng Trai 朗斋, người Đại Hưng 大兴 Thuận Thiên 顺天 (nay là thành phố Bắc Kinh), quê quán ở Thượng Ngu 上虞 Triết Giang 浙江. Năm Quang Tự 光绪 thứ 11 (1885), ông nhậm chức Bố chính sứ Hà Nam, năm sau được điều làm Tuần phủ Sơn Đông. Vợ ông là Lí Tuyết Như 李雪如 rất có tài, Trương Diệu đã bái vợ làm thầy để học.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/429665.htm
(2)- MỤC BẤT THỨC ĐINH目不识丁: theo Trung Quốc thành ngữ cố sự tổng tập,"Mục bất thức đinh" có nghĩa là ngay cả chữ "đinh" là chữ đơn giản mà cũng không nhận ra. Thành ngữ này dùng để ví người không biết chữ hoặc không có học vấn.

                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                 Quy Nhơn 18/11/2012
Previous Post Next Post